Hậu cướp ngân hàng Đà Nẵng: Cảnh báo đỏ ‘Hội vỡ nợ làm liều’ trên mạng xã hội

Đà Nẵng đã chính thức khởi tố hai đối tượng cướp ngân hàng khiến cho nhân viên bảo vệ không qua khỏi. Được biết trước đó hai đối tượng vì quen biết qua hội nhóm trên mạng xã hội, cùng hiểu “hoàn cảnh” của nhau nên đã lên kế hoạch cướp ngân hàng.

Quen biết từ trên mạng

Theo diễn biến vụ cướp ngân hàng BIDV Đà Nẵng vào ngày 22/11, hai đối tượng khai nhận bản thân không có việc làm. Cả hai đều bị nghiện cá độ bóng đá, cờ bạc, chơi game và nợ một số tiền lớn.

Hai đối tượng biết nhau từ một group Facebook “quái đản”. Trong nhóm này, các thành viên khi tham gia chia sẻ với nhau cách vay tiền từ ứng dụng, tổ chức tài chính và cách quỵt nợ hiệu quả.

Sau khi gặp gỡ và trao đổi cùng nhau thì hai đối tượng dự định thực hiện hành vi cướp nhà dân. Sau đó, cả hai thay đổi kế hoạch và thực hiện cướp ngân hàng.

Hậu cướp ngân hàng Đà Nẵng: Cảnh báo đỏ 'Hội vỡ nợ làm liều' trên mạng xã hội

Hiểm họa những nhóm tiêu cực trên mạng xã hội

Trong thời đại hiện đại, bên cạnh những mặt tích cực thì mạng xã hội cũng trở thành môi trường phát triển của nhiều nhóm tiêu cực. Đây là nơi tập hợp những cá nhân có chung động cơ và mục tiêu tiêu cực.

Những nhóm này thường hình thành và phát triển dựa trên những yếu tố như chung nhu cầu, hứng thú, và sự tương hợp về tâm sinh lý.

Đặc biệt, sự tổ chức, phương tiện, và người đứng đầu đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối những cá nhân này, tạo nên một cộng đồng có độ tương tác cao. Khi tham gia vào những nhóm lớn trên mạng xã hội, cá nhân không chỉ chia sẻ chung đam mê mà còn tương tác với nhau, tạo nên hiện tượng “tâm lý đám đông.”

Tâm lý đám đông có thể có ảnh hưởng lớn đến cá nhân, khiến họ mất khả năng duy trì bản thân và trở nên ảo tưởng theo nhóm. Các cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ và hành vi của cá nhân sẽ chịu tác động mạnh mẽ từ những người xung quanh.

Ngay cả khi ban đầu tham gia chỉ vì hiếu kỳ, sự tò mò, hoặc nhu cầu chia sẻ, khi họ bị cuốn vào tâm lý đám đông, họ có thể đánh mất bản thân và trở nên khó kiểm soát.

Hiểm họa những nhóm tiêu cực trên mạng xã hội

Thậm chí, những cảm xúc, thái độ và hành vi mà cá nhân thể hiện khi tham gia nhóm có thể hoàn toàn khác biệt so với khi họ ở một mình. Do đó, quá trình gia nhập vào nhóm có thể là nguy cơ tác động tiêu cực đáng kể đến tâm lý và hành vi của cá nhân.

Được biết, trước đây các hội nhóm rủ cướp ngân hàng, trộm chó, đánh bạc,… trên Facebook hoạt động rất lộ liễu. Một số hội nhóm được nhiều cơ quan báo chí đề cập đến như Hội những người muốn tự tử; Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử; Hội những người vỡ nợ muốn làm liều; Chuyên tư vấn bùng nợ – Xóa nợ xấu (FE, Home credit, app cho vay); Hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó…

Sau thời gian bị cảnh báo từ các cơ quan chức năng, chúng đã nhanh chóng đổi tên để tránh sự dòm ngó.

Một số bài đăng, bình luận được chia sẻ từ một trong số nhiều hội nhóm như vậy:

  • “Thiếu 400 triệu và bị người yêu bỏ. Anh em có mối buôn bán phụ nữ qua Trung Quốc các kiểu không ạ”.
  • “Và thế là có hai anh em của hội chúng ta thất bại rồi anh em à. Có ai chung sức với mình làm vụ cẩn thận và thành công không nhỉ. Để cho anh em khác có động lực mà đi cướp, chứ cứ thất bại này thì hỏng. Làm chả có kế hoạch gì cả”.
  • “Có 1 khẩu AK và K54, cần tìm 2 người anh em thật liều chiến, được ăn cả, ngã về không”.
  • “Buồn quá các bác ạ, không biết có bác nào trong nhóm như em không. Em làm lừa đảo trên mạng xã hội từ năm 2019 đến cuối 2021, cũng lừa được vài tỉ. Đừng hỏi vì sao không bị bắt nhé vì có bài bản hết rồi, em có kinh nghiệm nên trường hợp xấu rất ít xảy ra. Nhưng đến năm 2022 vì ham mê cờ bạc nên mất hết, mất cả danh dự và tiếng nói. Giờ em nản quá chắc vài năm mới trở lại như cũ”.

Góc nhìn từ các chuyên gia

PGS.TS Trần Thu Hương – ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội: “Về cái độ tuổi nhóm thanh niên, tức là đầu tuổi trưởng thành thì cái nhóm đấy là cái nhóm mà về mặt tâm lý thì các bạn ấy dễ có những cái sự bất ổn nhất, khó kiểm soát về mặt cảm xúc cũng như là các vấn đề về mặt hành vi.

Vậy thì các bạn dễ có những cái hành vi nguy cơ hơn. Và khi trong những cái tình trạng mà bế tắc thì các bạn ấy sẽ dễ có những cái hành động làm liều hơn và cái mức độ nguy hiểm của cái nhóm này khi mà các bạn ấy ở trong đó, rồi thực hiện các cái nguy cơ thì thường sẽ cao hơn so với các nhóm khác”.

Tiến sĩ, Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu đánh giá: “Khi một đối tượng gây án thì có thể là chúng đứng trước rất nhiều nỗi sợ, nhưng khi có từ hai đối tượng trở lên thì tên này này có thể làm chỗ dựa tinh thần cho tên kia.

Đối với những đối tượng đã tham gia và rủ nhau đi gây án thông qua diễn đàn mạng như thế này thì khi mà tập hợp được một số lượng đủ lớn, chúng sẽ trở thành một băng cướp phạm tội có tính chuyên nghiệp. Đây là một cái diễn đàn vô cùng nguy hiểm mà chúng ta phải khẩn trương triển phá ngay, sập ngay”.